Khấu hao tài sản cố định – Phần 1: Thời điểm bắt đầu tính khấu hao?

(Hình minh họa từ Internet)

Đây có thể là một câu hỏi dễ dàng với một số kế toán nhưng lại có thể là một bài học “đáng nhớ” với một vài kế toán khác. Vậy câu trả lời là gì? Đọc đến đây, bạn nghĩ đến thời điểm nào?

1. Thời điểm mua tài sản cố định?

2. Thời điểm tài sản cố định sẵn sàng cho việc sử dụng?

Nhớ lại thời xách ba lô vi vu xuống các khu công nghiệp để kiểm toán, mình đã gặp nhiều trường hợp tính khấu hao tài sản cố định ngay khi mua về. Nghĩa là, khi tài sản cố định được ghi nhận vào Sổ theo dõi chi tiết tài sản cố định (tiếng tây là Fixed assets Register), khấu hao sẽ được tính ngay. Trong sổ chi tiết này, dễ dàng nhận thấy cột ngày mua tài sản (ngày hóa đơn hay ngày nhận tài sản) và ngày tính khấu hao trùng nhau, và điều này vẫn được coi là hiển nhiên. Thậm chí có chị kế toán còn bảo mình, khi chị nhập dữ liệu về TSCĐ vào, “máy” tự động tính khấu hao chứ chị có…tính đâu?

Để biết rõ thời điểm nào mới chính xác, hãy quay lại câu hỏi “tại sao phải trích khấu hao”? Theo các quan điểm kế toán hiện đại, thì nguyên tắc chi phối việc trích khấu hao là nguyên tắc phù hợp (Matching concept). Theo nguyên tắc này, chi phí của tài sản bỏ ra để sản xuất ra sản phẩm của kỳ nào phải “phù hợp” với doanh thu do tài sản đó tạo ra trong kỳ đó. Đó là lý do nếu ghi nhận vào chi phí toàn bộ giá trị tài sản vào năm đầu tiên khi mua, trong khi tài sản có thể tạo ra doanh thu trong suốt thời gian sử dụng, sẽ không hợp lý. Việc trích khấu hao cũng là một cách để phản ánh hao mòn vật lý của tài sản cố định (TSCĐ) vốn chỉ “cảm nhận” mà không lượng hóa được trong suốt thời gian sử dụng hữu dụng.

Quay lại câu hỏi lớn ở trên. Liệu có nên trích khấu hao ngay từ ngày mua TSCĐ không? Câu trả lời là đuợc, nếu tại ngày đó, tài sản cố định đã sẵn sàng cho việc sử dụng hay tiếng tây là “ready for use”. Vì rõ ràng, nếu tài sản chưa sử dụng được thì cũng không thể tạo ra doanh thu vì vậy cũng ko thể có chi phí khấu hao “phù hợp” với doanh thu chưa được tạo ra đó. Vậy nếu tài sản mới được được nhập về, chưa lắp ráp, hoặc đã lắp ráp nhưng chưa chạy thử, thì kể cả đã được ghi vào sổ chi tiết thì kế toán vẫn phải chờ đến thời điểm “ready” đó mới trích khấu hao.

“Nói có sách, mách có chứng”. Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS16 – Property, Plant and Equipment nói: “The depreciation of an asset begins when it is available for use, that is, when at the location and conditions necessary to be able to operate as intended by management”. Chuẩn mực nhà ta nói gì? Nhà ta thì hơi lòng vòng một chút như thế này:

– Điểm 9, điều 9, phần C, Thông tư 203/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ nói “Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.

– Theo chuẩn mực kế toán việt nam VAS 03 – TSCĐ hữu hình, hai trong 4 nguyên tắc bắt buộc cần có để ghi tăng TSCĐ là “Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy”  và “Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó”. Khi một tài sản mới mua về nhập kho, chưa qua chạy thử, thậm chí mới chỉ là những linh kiện rời rạc thì chắc chắn 2 điều kiện này không thể đảm bảo. Thậm chí có những trường hợp, kế toán phải làm việc với bộ phần kỹ thuật và sản xuất để xác định xem có thể hợp nhất các bộ phận riêng biệt của TSCĐ không, hay có thể tách những bộ phân riêng lẻ ra để tính khấu hao riêng, do thời gian sử dụng hữu dụng của các linh kiện này khác nhau.

Như vậy, một tài sản giá trị lớn với nhiều linh kiện phức tạp sẽ ngốn không ít thời gian lắp đặt chạy thử, có khi phải đến hàng tháng trời. Do đó, việc “nhỡ tay” trích trước một vài tháng khấu hao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Đó là không kể, có những tài sản lại được cấu thành từ nhiều bộ phận riêng biệt, hoạt động tách rời và có thời gian sử dụng hữu ích khác nhau. Trong các trường hợp như vậy, sự cẩn trọng được đòi hỏi cao hơn bao giờ hết.

———————————————————————-

Tài liệu tham khảo:

– IAS 16 – Property, Plant and Equipment

– VAS 03 – Tài sản cố định hữu hình

– Thông tư 203/2009/TT-BTC về quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ

10 thoughts on “Khấu hao tài sản cố định – Phần 1: Thời điểm bắt đầu tính khấu hao?

  1. Nếu tài sản được mua về nhưng lại không có nhu cầu sử dụng , thậm chí hết thời gian trích khấu hao mà vẫn không đưa vào sử dụng. Mặc dù tài sản không được dùng nhưng theo thời gian, tài sản vẫn bị hao mòn cơ học, ngoài ra còn bị lạc hậu về mặt kỹ thuật , trong trường hợp này thì kế toán nên ứng xử thế nào?

    • Việc trích khấu hao ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp vì vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong kỳ. Đối với nhà nước, thuế Thu nhập doanh nghiệp được tính trên lợi nhuận trong kỳ, vì vậy việc trích khâu hao như thế nào sẽ ảnh hưởng đến số thuế phải nộp trong kỳ. Để giảm thiểu những sự không đồng nhất trong cách tính khấu hao, bộ tài chính đã ban hành thông tư 203/2009/TT-BTC để hướng dẫn việc trích khâu hao cụ thể trong từng trường hợp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu và áp dụng.

  2. Nếu ngày mua tài sản là vào 31/12/2011 thì tài sản đó sẽ được trích khấu hao vào năm nào? Có tính ngày 31/12 để tính vào chi phí khấu hao không?

    • Thời điểm trích khấu hao không phụ thuộc vào ngày mua và phụ thuộc vào ngày đưa tài sản vào sử dụng. Nếu bạn mua và sử dụng tài sản luôn vào ngày 31/12 thì có thể tính 31/12 vào chi phí khấu hao. Tuy nhiên, nếu tài sản đó giá trị không cao (không chiếm đáng kể trong tổng tài sản) thì có thể để sang năm sau cho thuận lợi vìnguyên tắc trọng yếu của kế toán có thể được áp dụng cho những giá trị nhỏ, không ảnh hửởng đến báo cáo tài chính

  3. Sau khi mua, lắp đặt,…TSCĐ đã sắn sàng sử dungj vào tháng 5/N. Tuy nhiên,( giả sử) bộ phận kĩ thuật chưa học xong cách sử dụng TSCĐ,1 tháng sau TSCĐ mới đưa vào sd==> Trích khấu hao bắt đầu từ tháng 5 có đúng không ạ?

  4. Vớ vẩn, theo QĐ 15 cũng như tất cả các Thông tư hướng dẫn về Quản lý TSCĐ là TT 209, 203 và 45 đều ghi rất rõ là mọi TSCĐ đều phải trích Khấu hao kể cả ko dùng, ko cần dùng và chờ thanh lý rồi, còn lăn tăn cái gì nữa!?

  5. cho mình hỏi TSCĐ CTY mình đưa vào SD T7/2014 nhưng tới T11/2014 mình mới đi đăng ký thuế tính khấu hao, như vậy sổ sách kế toán Cty mình trích KH T11/2014 hay T7/2014 là hợp lý

Gửi phản hồi cho trangbee Hủy trả lời